Bé nhà bạn lên giường buổi tối lúc mấy giờ? 8 giờ, 9 giờ hay đến tận 11 giờ, 12 giờ mà con vẫn chưa chịu đi ngủ?
Trẻ nhỏ thường xuyên ngủ muộn là một trong những vấn đề phổ biến mà rất nhiều gia đình hiện nay gặp phải. Nguyên nhân không chỉ là việc về vấn đề hành vi của các bạn nhỏ không “hợp tác” khi đi ngủ, mà một phần lí do khiến các bạn ý không chịu ngủ sớm là vì nhiều bố mẹ đã vô tình tạo thói quen xấu cho con bằng những hành động và sự chiều chuộng bé quá mức. Nếu sau 9 giờ tối mà bố mẹ vẫn chưa thể dỗ dành được bé ngủ thì hãy thay đổi một vài “chiến lược” để rèn giũa, tạo thói quen ngủ sớm và đúng giờ cho bé như dưới đây nhé.
THIẾT LẬP QUY TẮC GIỜ ĐI NGỦ
Đầu tiên, bố mẹ cần thiết lập một thời gian biểu thống nhất cho các hoạt động trước khi đi ngủ của trẻ. Với một lịch trình lặp đi lặp lại các công việc mỗi ngày mà con phải tuân thủ như: tắm rửa, thay quần áo, ăn nhẹ, mát xa, đánh răng… và lên giường nằm đúng giờ quy định, dần dần trẻ sẽ được đưa vào “khuôn phép” và tự ý thức được việc mình cần phải đi ngủ đúng giờ.
Bố mẹ nên thông báo cho bé trước khi bắt đầu quy trình mỗi tối như: “5 phút nữa là tới giờ tắm rồi chuẩn bị đi ngủ nhé con!” và cố gắng không để bé mè nheo hoặc “níu kéo” bất kì hoạt động nào không có trong quy trình, chẳng hạn như không được xem thêm phim hoạt hình hay chơi thêm một trò chơi nào nữa.
Các hoạt động diễn ra theo một thứ tự nhất định và lặp lại mỗi ngày không chỉ giúp bé hình thành những thói quen tốt trước khi đi ngủ mà còn tạo tâm lí thoải mái, vui vẻ để các bạn nhỏ tự giác đi ngủ mỗi đêm.
KHÔNG SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ TRƯỚC KHI ĐI NGỦ
Bố mẹ nên tạo cho các bạn nhỏ những thói quen lành mạnh để giúp con thư giãn, thả lỏng và chuẩn bị đi ngủ. Nguyên tắc thiết yếu để làm điều này là giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Việc tiếp xúc với các loại màn hình điện tử như xem tivi, chơi trò chơi điện tử trên điện thoại hoặc sử dụng máy tính trước giờ ngủ đều ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ nhỏ. Ánh sáng phát ra từ màn hình sẽ gây ức chế hormone melatonin - một loại hormone được sản sinh ra trong giấc ngủ, giúp đảm bảo giúp cơ thể có giấc ngủ ngon và tỉnh dậy tỉnh táo vào ngày hôm sau. Nếu thường xuyên ngủ không sâu giấc, thậm chí trằn trọc, mất ngủ…, chu kì sinh học tự nhiên của cơ thể sẽ thay đổi, ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe của trẻ...
Có một thực tế là rất nhiều bố mẹ bật tivi để cho con xem, cho con chơi điện thoại với hi vọng sau đó bé sẽ ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, điều này lại tác động rất xấu đến giấc ngủ của trẻ. Việc vô tình xem phải những điều đáng sợ trên tivi, máy tính bảng, hay chơi các trò chơi có xu hướng bạo lực trước khi đi ngủ cũng có thể góp phần gây ra những cơn ác mộng với các bé. Kể cả với các chương trình thời sự dành cho người lớn cũng vậy, nếu bố mẹ cho con cùng xem tin tức buổi tối và bé xem được những câu chuyện về tai nạn, thảm họa thiên nhiên… có thể làm trẻ sợ hãi không muốn đi ngủ và đóng góp vào những giấc mơ xấu sẽ xuất hiện.
Chính vì vậy, bố mẹ không nên cho các bạn nhỏ xem tivi, chơi trò chơi điện tử hoặc sử dụng máy tính tối thiểu một giờ trước khi đi ngủ nhé.
THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG NHẸ NHÀNG, YÊN TĨNH
Bố mẹ có thể khuyến khích các bạn nhỏ thực hiện các hoạt động yên tĩnh như đọc sách, mát xa hoặc vận động nhẹ nhàng để giúp con giảm độ hưng phấn và chuẩn bị đi ngủ.
Đọc truyện, kể chuyện hay cùng hát một bài hát con thích là hoạt động thú vị và dễ thực hiện nhất để đưa các bạn nhỏ vào giấc ngủ. Với các bé lớn, bố mẹ có thể để cho bé tự chọn truyện, nếu bé chọn nhiều quá mà bố mẹ không muốn đọc hết thì có thể ra quy định chẳng hạn như: “Con tự chọn 3 quyển truyện để mẹ đọc cho con”. Với bé nhỏ hơn thì bố mẹ tự chọn và nói với bé: “Hôm nay mẹ đọc cho con 3 câu chuyện. Đọc xong thì con ngủ nhé!”. Trước khi đọc đến quyển cuối cùng, bố mẹ có thể nhẹ nhàng nhắc lại: “Mình đọc nốt quyển này rồi con ngủ nhé!”. Và sau khi đọc truyện xong, hãy tắt đèn để con chìm dần vào giấc ngủ và đừng quên nói chúc con ngủ ngon nhé.
Nếu không đọc truyện, bố mẹ cũng có thể dành thời gian trò chuyện với con. Đôi khi, các bạn nhỏ có thể không chịu đi ngủ ngay chỉ đơn giản là vì bé cần thời gian nói chuyện với bạn sau một ngày dài ở trường. Vậy nên mỗi tối trước khi đi ngủ, bố mẹ cũng nên dành khoảng 15-30 phút trò chuyện cùng con về một ngày học tập ở trường hoặc đơn giản là tắt hết đèn, và nằm thì thầm những câu chuyện vui, không đầu không cuối, hay cùng nhắm mắt chơi trò tưởng tượng… Đây không chỉ là khoảng thời gian thư giãn hiệu quả mà còn là cách tuyệt vời để bố mẹ gắn kết thêm tình cảm với các bé yêu đấy.
KHÔNG “MỦI LÒNG” TRƯỚC MONG MUỐN CỦA CON
Khi vấn đề về hành vi của các bạn nhỏ trước khi đi ngủ phát sinh quá nhiều như các bé thường xuyên chống đối, không chịu thực hiện các quy tắc giờ đi ngủ mà bố mẹ đã đặt ra, thì một thái độ cứng rắn, nhất quán là điều cần thiết. Nếu các bé mè nheo hay thậm chí la hét liên tục rằng bé không mệt, bé không buồn ngủ và vẫn muốn chơi thêm, bố mẹ cũng đừng để bị “khuất phục” nhé. Bạn nên nói chuyện từ tốn nhưng cũng nên khẳng định là đã hết thời gian rồi, con cần lên giường nằm. Nếu bố mẹ nhượng bộ yêu cầu của bé dù chỉ một lần, bạn sẽ nghe điều đó lập lại vào tối hôm sau đó.
Nếu các bé vẫn tiếp tục không hợp tác, bố mẹ có thể đưa ra các sự lựa chọn cho con. Ví dụ như hôm nay con thức muộn hơn 30 phút thì ngày mai phải đi ngủ sớm hơn 30 phút hoặc con sẽ không được ăn món bánh con thích vào ngày hôm sau nữa. Việc phải chọn lựa giữa các quyền lợi và sở thích của mình có thể thúc đẩy con các bé có ý thức hơn vào các buổi tối sau.
ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC: CẢ NHÀ CÙNG NHAU DẬY SỚM
Bố mẹ hãy thử áp dụng nguyên tắc cả nhà cùng nhau thức dậy vào một giờ, khi bố mẹ dạy chuẩn bị bữa sáng và khởi động cho một ngày làm việc mới thì con cũng dậy cùng bố mẹ.
Có thể nhiều bố mẹ sẽ đặt câu hỏi: Liệu đánh thức trẻ dậy sớm cùng bố mẹ có quá tàn nhẫn không? Việc trẻ dậy sớm có ảnh hưởng đến việc bố mẹ chuẩn bị các công việc mỗi sáng không?
Nhưng trên thực tế cho thấy, trẻ nhỏ ngủ sớm thường có thói quen dậy sớm. Những bạn nhỏ có thói quen ngủ sớm và dậy sớm mỗi ngày thường mạnh khỏe, nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng hơn những bạn cùng lứa tuổi không làm như vậy. Nếu trẻ nhỏ có nhịp sinh học buổi sáng dậy sớm sẽ dần tự biết cân bằng thời gian ngủ sao cho đủ giấc của mình nhất, bé sẽ lên giường nằm và chìm vào giấc ngủ sớm hơn. Vậy nên đây sẽ là cách hỗ trợ rất tốt trong việc hình thành thói quen đi ngủ sớm của trẻ nhỏ.
Mấy ngày đầu có thể mất một khoảng thời gian hoặc thậm chí là vài tiếng con mới chịu ngủ, nhưng dần dần, khi đã tạo lập được thói quen và thời gian biểu thích hợp thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Rèn luyện thói quen cho trẻ đi ngủ sớm không phải là việc khó nhưng cũng không dễ thực hiện, nhất là trong điều kiện hiện nay các bạn nhỏ có nhiều nhu cầu sinh hoạt và vui chơi mỗi tối. Để giúp con có thói quen ngủ sớm, đúng giờ, bố mẹ cần rất kiên trì cùng con thực hiện nhé.
Nếu bé đã hợp tác và chịu lên giường sớm để ngủ ngoan mỗi đêm, bố mẹ đừng quên DÀNH CHO CON NHỮNG LỜI KHEN NGỢI, ĐỘNG VIÊN hoặc là thưởng cho bé một món đồ chơi nhỏ xinh hay một món ăn mà bé yêu thích nhé.
Hi vọng với các “chiến lược” mà Mầm Nhỏ chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp các bố mẹ và các bạn nhỏ có những buổi tối chuẩn bị đi ngủ thật vui vẻ và “bình yên”.