Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những điều tích cực, đặc biệt là với trẻ em. Nhưng có một thái độ và quan điểm sống tích cực lại giúp giải quyết các vấn đề đơn giản hơn rất nhiều.
Chỉ cho con cách biến những điều tiêu cực xung quanh trở nên tốt đẹp hơn, trở thành kỹ năng ứng phó sẽ rất quan trọng với trẻ trong tương lai.
TẠI SAO CẦN PHÁT TRIỂN THÁI ĐỘ TÍCH CỰC Ở TRẺ?
Có một thái độ tích cực trong cuộc sống có thể giúp trẻ vượt qua mọi vấn đề khó khăn một cách đơn giản và lạc quan hơn. Nếu một đứa trẻ có lối suy nghĩ tích cực sẽ sẽ giải quyết những vấn đề một cách nhanh chóng và nhìn vào những khía cạnh khác nhau theo cách tích cực nhất. Vì vậy, một trở ngại nhỏ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, nhưng con sẽ hiểu đó không phải kết thúc của mọi thứ.
Tích cực cũng có thể khiến đứa trẻ kiên cường hơn. Thay vì ép con phải loại bỏ những suy nghĩ hay cảm xúc không tốt đẹp ra khỏi đầu thì hãy giúp con đối phó với những cảm xúc này và tiến về phía trước một cách lạc quan nhất.
ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO MỘT ĐỨA TRẺ LUÔN CÓ THÁI ĐỘ TIÊU CỰC?
Nếu bạn quan sát con có những hành vi tiêu cực, có khả năng bé gặp phải những vấn đề sau:
- Bạn có thể đã đặt áp lực rất lớn lên con mình.
- Bạn có thể đã thường xuyên thể hiện những điều tiêu cực trước mặt con.
- Bạn có thể đã bao bọc con quá mức.
- Con bạn đang mắc các vấn đề về tâm lý.
- Con bạn đang bị một cú sốc tâm lý hoặc sự xáo trộn nghiêm trọng trong gia đình.
- Nếu đứa trẻ phải nhận quá nhiều lời chỉ trích, mắng mỏ.
Sự tích cực không bắt nguồn từ tính cách, sinh ra đã có, mà cần thông qua rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Dưới đây là 8 mẹo mà mọi bố mẹ có thể giúp con có lối sống, suy nghĩ tích cực hơn.
1. Hãy cho con biết rằng, việc thể hiện cảm xúc là điều bình thường
Một trong những cách quan trọng để giúp con luôn có thái độ lạc quan với cuộc sống là cho phép con được thừa nhận cảm xúc của mình. Đó có thể niềm vui, hạnh phúc vô tận, hoặc xấu hổ, sợ hãi, lo lắng hay bất kỳ một cảm xúc nào khác. Bạn hãy nói với con rằng, vui, buồn là việc bình thường và ngay cả bố mẹ cũng phải trải qua những cảm xúc ấy mỗi ngày.
Cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn đó là đối diện trực tiếp với nó. Một khi con học được cách chấp nhận những cảm giác không vui thì sẽ chẳng còn chỗ cho buồn phiền nữa.
Nếu nhận thấy con đang buồn bã hoặc tức giận, hãy hỏi trẻ để biết con đang gặp phải khó khăn gì. Khi trẻ chịu chia sẻ với bạn về vấn đề và cảm xúc của con, bạn cần cho con biết rằng trong cuộc sống, gặp phải những điều không hay là không thể tránh khỏi, nhưng chúng sẽ nhanh chóng trôi qua thôi. Tất nhiên, bạn nên ở bên cạnh con để cùng đưa ra cách giải quyết vấn đề ấy. Đây là cách giúp trẻ học về kỹ năng giải quyết vấn đề và giữ được thái độ tích cực cho mình.
2. Hãy là một tấm gương cho con
Nếu bạn đang chở con ngoài đường mà gặp tắc đường giữa trời nóng bức, một phụ huynh tiêu cực sẽ nổi nóng và nói như sau:
“Suốt ngày tắc đường, bực mình quá! Trời gì mà nóng thế không biết!”
Một người tích cực sẽ nói:
“Mẹ đố con có thể đọc tên các biển số đấy. Con có biết biển số xe này là của tỉnh nào không?”
Trẻ em học mọi điều từ bố mẹ của mình. Trẻ sẽ khó có thể suy nghĩ tích cực được nếu như lớn lên trong một môi trường ngập tràn sự tiêu cực. Ngược lại, nếu tâm hồn trẻ được nuôi dưỡng bởi sự lạc quan, luôn hướng về phía trước của bạn thì trẻ sẽ phát triển thái độ tương tự.
Bạn có thể không chú ý quá nhiều đến lời nói, hành động của mình, nhưng bọn trẻ lại quan sát rất kỹ từ hành vi và cảm xúc của bạn đấy. Dần dần, trẻ sẽ học theo các ứng xử và quan điểm của bạn với các tình huống trong cuộc sống. Vì vậy, để nuôi dưỡng một em bé có suy nghĩ sự tích cực và luôn vui vẻ thì bố mẹ hãy luôn làm gương cho con nhé!
3. Hãy luôn khuyến khích và động viên con
Trẻ em cũng giống như người lớn, sẽ có lúc gặp chuyện phiền muộn, chán nản hay mất phương hướng. Trong lúc này, bố mẹ nên khuyến khích trẻ nhìn vào những điều tích cực trong cuộc sống. Một điều quan trọng khác là chúng ta nên đánh giá cao những nỗ lực, thành công con đạt được và hạn chế tối đa sự la mắng khi con phạm sai lầm.
Nếu con bạn cư xử không đúng mực, thay vì quát mắng, hãy bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề con đang gặp phải và đưa ra lời giải thích, giải pháp cho con để sửa chữa hành vi. Khi đưa ra giải pháp để con khắc phục sai lầm cũng là một cách để bạn giúp trẻ sống tích cực hơn đấy!
4. Hãy cho con được tự do
Chúng mình hiểu rằng, là bố mẹ ai cũng sẽ lo lắng cho con, sợ con bị tổn thương, sợ con thất bại. Nhưng mỗi đứa trẻ cần được trải nghiệm để lớn lên. Kỷ luật ở trẻ em là quan trọng, nhưng đồng thời chúng cũng cần được tự do. Đôi khi, bạn hãy cho con được lựa chọn và làm mọi thứ theo cách mà con muốn. Hãy để con được nói ra, được ước mơ, theo đuổi những gì mà con thích.
5. Hãy để con được tiếp xúc với những người tích cực
Những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chúng ta. Để có lối sống tích cực thì chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn là thường xuyên tiếp xúc với những người mang lại năng lượng ấy cho mình. Điều này cũng tương tự với một đứa trẻ. Do đó, hãy tạo điều kiện để con được tiếp xúc với những người luôn hạnh phúc và có lối sống tích cực.
6. Khuyến khích trẻ nói về những điều tích cực
Một trong những cách hiệu quả nhất để luyện luyện sự tích cực cho trẻ, đó là để con được nói ra và trải nghiệm những điều tích cực. Bạn có thể hỏi về một ngày của con hôm nay diễn ra như thế nào, và hãy chú ý, tập trung hơn vào những sự kiện tích cực thay vì gây căng thẳng cho con về những việc tiêu cực. Hãy cho con thấy rằng, những chuyện vui có sức mạnh phi thường để thổi bay những muộn phiền.
Việc khuyến khích con nhìn nhận vào những điều tích cực và nhấn mạnh về tầm quan trọng của nó sẽ giúp con có một ngày mới tuyệt vời và không căng thẳng. Thường xuyên rèn luyện điều này sẽ giúp con hình thành được thói quen sống tích cực hơn.
7. Dạy con về các giá trị và đạo đức
Một đứa trẻ biết rõ điều gì là đúng và sai sẽ tích cực hơn so với những đứa trẻ không được hướng dẫn. Và điều này có thể xuất phát từ việc bạn dạy con những giá trị, đạo đức trong cuộc sống. Khi con biết được những điều gì là đúng đắn, nên làm, những ai cần được tôn trọng, ưu tiên thì sẽ hướng đến những điều đúng đắn và tuân thủ đạo đức. Điều này sẽ khiến con luôn vui vẻ, hạn chế cảm giác tội lỗi, nghi ngờ hay hối tiếc vì đã làm điều gì sai trái.
8. Khuyến khích tính tích cực thông qua các câu chuyện và tình huống
Tích cực có thể được thấm nhuần ở trẻ em bằng cách kể chuyện tích cực cho trẻ. Bạn cũng có thể để con tham gia vào các hoạt động có tính tích cực như: từ thiện, giúp đỡ một ai đó khó khăn hơn, các trò chơi vượt chướng ngại vật, kể chuyện về những người phi thường…Bằng cách này, con sẽ có được những trải nghiệm và bài học quý giá một cách vui vẻ.
Bạn cũng mong muốn em bé của mình khi lớn lên sẽ luôn bình an và đối mặt với khó khăn một cách dễ dàng hơn chứ? Mầm Nhỏ hy vọng, bài viết này sẽ tiếp sức thêm cho bố mẹ để chúng ta có nhiều động lực hơn nữa trên hành trình nuôi dưỡng những em bé luôn lạc quan, vui vẻ, tràn đầy năng lượng.
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn:
https://
https://